Năm 2022, Đại học Quốc gia Hà Nội tăng chỉ tiêu cho các ngành học "hot" |
Wednesday, 29 December 2021 18:07 |
Dân trí
Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐH Quốc gia Hà Nội là 12.500 chỉ tiêu. Trong đó, giành 30% chỉ tiêu cho các ngành/CTĐT tài năng, chất lượng cao, những ngành "hot".Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 của ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 27/12/2021. Chú trọng ngoại ngữ trong tuyển sinh GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo - Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQGHN cho biết, năm 2021, ĐHQGHN tuyển được 12.272 thí sinh vào học tại 134 chương trình đào tạo (CTĐT) bậc đại học (đạt 109% so với chỉ tiêu đề ra), trong đó có 07 CTĐT mới mở, đáp ứng nhu cầu nhân lực của thị trường lao động thời kỳ chuyển đổi số. Quy mô tuyển sinh các CTĐT chất lượng cao theo đặc thù đơn vị, CTĐT chất lượng cao theo Thông tư 23/2014/TT-BGDĐT cao nhất từ trước đến nay, chiếm xấp xỉ 43% so với quy mô tuyển sinh năm 2021. Năm qua, ĐHQGHN vẫn áp dụng các phương thức tuyển sinh ổn định như những năm trước, trong đó có kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt năm 2021 ĐHQGHN bắt đầu tái khởi động lại phương thức xét tuyển theo kết quả kỳ thi đánh giá năng lực học sinh THPT do Trung tâm Khảo thí - ĐHQGHN tổ chức. GS.TSKH Nguyễn Đình Đức. Phó Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh đánh giá, công tác tuyển sinh đại học năm vừa qua ở ĐHQGHN được triển khai theo hướng đa dạng hóa hình thức xét tuyển hướng tới các chuẩn mực quốc tế; Tăng cường tính tự chủ và trách nhiệm của đơn vị đào tạo; Chuyên nghiệp hóa công tác tuyển sinh ở ĐHQGHN; Hoàn thành mục tiêu tuyển được các sinh viên chất lượng và tăng tỉ lệ sinh viên các chương trình đào tạo chất lượng cao/quy mô tuyển sinh. Các đơn vị đào tạo thuộc ĐHQGHN đặc biệt chú trọng sử dụng bài thi ngoại ngữ hoặc điều kiện điểm ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển nhằm đảm bảo năng lực ngoại ngữ cần thiết giúp thí sinh theo học tốt các CTĐT đáp ứng chuẩn đầu ra tương ứng quốc tế. Theo số liệu thống kê của Ban Chỉ đạo tuyển sinh, điểm trúng tuyển thấp nhất đối với các ngành/CTĐT chuẩn là 18 điểm và điểm trúng tuyển cao nhất là 30 điểm. Nhiều thí sinh trúng tuyển đạt chuẩn ngoại ngữ đầu ra ngay khi nhập học. Thống kê điểm trúng tuyển của các đơn vị đào tạo theo kết quả thi tốt nghiệp THPT cho thấy, kết quả tuyển sinh đầu vào các ngành/CTĐT của ĐHQGHN hiện nay là khá tốt trong bối cảnh tuyển sinh chung của cả nước, mức điểm trúng tuyển tăng cao hơn năm 2020 phổ biến trong khoảng 2 - 5 điểm tùy từng ngành. Năm 2021, ĐHQGHN tiếp tục ứng dụng CNTT hỗ trợ thí sinh xác nhận nhập học và triển khai phần mềm nhập học nộp hồ sơ trực tuyến. Điều này giúp thí sinh và gia đình tiết kiệm chi phí, hạn chế đi lại; đồng thời làm giảm đáng kể hồ sơ giấy tờ cho các đơn vị tuyển sinh, tránh tình trạng thất lạc hồ sơ, tiết kiệm thời gian, nhân lực và có số liệu chính xác để có thể ra phương án xét tuyển bổ sung - nếu cần. Dành nhiều chỉ tiêu cho phương thức tuyển sinh Đánh giá năng lực Về phương hướng tuyển sinh đại học chính quy năm 2022, Trưởng Ban Đào tạo GS.TSKH Nguyễn Đình Đức nhấn mạnh, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, về cơ bản các phương thức tuyển sinh sẽ được giữ ổn định như năm 2021, nhưng nguyên tắc đảm bảo chất lượng đầu vào tốt luôn là tiêu chí hàng đầu. Đồng thời nhằm thu hút được nhiều thí sinh giỏi, nâng cao chất lượng đầu vào tăng cường hội nhập quốc tế, ĐHQGHN sẽ mở rộng tỷ lệ xét tuyển theo kết quả bài thi Đánh giá năng lực (ĐGNL), mở rộng quy mô tổ chức các kỳ thi ĐGNL của ĐHQGHN - dành nhiều hơn chỉ tiêu cho phương thức này để xét tuyển đại học trong năm tới. Năm 2022, ĐHQGHN dự kiến tổ chức 16 đợt thi ĐGNL cho học sinh bậc THPT, bắt đầu từ tháng 2 -8/2022 cho khoảng 70.000 lượt thí sinh. Các trường đại học khác trên cả nước có thể tham khảo, sử dụng kết quả thi ĐGNL này để xét tuyển vào đại học năm 2022. Đổi mới tuyển sinh theo phương thức ĐGNL ở ĐHQGHN là giải pháp mang tính đột phá và cần thiết cũng như thể hiện được vai trò tiên phong của ĐHQGHN trong việc thực hiện Nghị quyết 29 về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Kết quả thi ĐGNL đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó/dễ theo khoa học đo lường - khảo thí hiện đại. Dự kiến, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đại học chính quy năm 2022 của ĐHQGHN là 12.500 chỉ tiêu. Trong đó, ĐHQGHN dành khoảng 10-15% tổng chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển theo kết quả bài thi ĐGNL, 30% chỉ tiêu cho ĐGNL đối với các ngành/CTĐT tài năng, chất lượng cao, những ngành "hot" có điểm tuyển sinh cao trên 26 điểm. Bên cạnh đó, ĐHQGHN tiếp tục xem xét mở rộng, điều chỉnh đối tượng xét tuyển thẳng cho phù hợp: Học sinh đạt kết quả cao trong kỳ thi Olympic học sinh giỏi do ĐHQGHN tổ chức; Học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh/thành phố; Thí sinh thuộc các trường THPT chuyên ngoài ĐHQGHN có kết quả học tập loại giỏi và kết quả thi tốt nghiệp THPT đạt ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo quy định của ĐHQGHN. Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải. Phó Giám đốc ĐHQGHN Nguyễn Hoàng Hải đánh giá, mặc dù phải ứng phó với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải tổ chức thành 2 đợt nhưng về cơ bản, công tác tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 ở ĐHQGHN đã thành công tốt đẹp. Phó Giám đốc ĐHQGHN yêu cầu, các đơn vị đào tạo cân nhắc, điều chỉnh theo hướng tăng chỉ tiêu tuyển sinh các CTĐT tài năng, chất lượng cao và các CTĐT của các đơn vị được ĐHQGHN giao nhiệm vụ đưa sinh viên lên học tập tại Hòa Lạc, đồng thời giảm chỉ tiêu tuyển sinh đối với các CTĐT còn lại. ĐHQGHN giao Trường ĐH Công nghệ thí điểm xây dựng chương trình giảng dạy về công nghệ thông tin trình độ đại học dành cho học sinh khối THPT, trước mắt triển khai thí điểm tại các trường THPT thuộc ĐHQGHN, đánh giá tính khả thi để mở rộng cho các ngành đào tạo khác. Nhật Hồng |