Một số thông tin về kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 PDF. In Email
Thứ hai, 30 Tháng 3 2015 17:39

>> Download nội dung bài viết này TẠI ĐÂY

>> Tra cứu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH, CĐ (cập nhật đến ngày 01/04/2015) ở (1) Hà Nội(2)TP. HCM(3)vùng đồng bằng sông Hồng và (4) vùng núi phía Bắc

>> Xem chi tiết cụm thi và mã đơn vị ĐKDT TẠI ĐÂY

>> Xem chi tiết công văn về mức lệ phí thi TẠI ĐÂY

>> Xem chi tiết công văn về việc miễn thi môn Ngoại ngữ TẠI ĐÂY

>> Xem chi tiết quy chế thi THPT Quốc gia TẠI ĐÂY

>> Xem chi tiết Quy chế tuyển sinh CĐ, ĐH hệ chính quy TẠI ĐÂY

1. Kỳ thi THPT Quốc gia 2015

Mục đích của kỳ thi: xét công nhận tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

+ Môn thi:

-  Xét tốt nghiệp: 3 môn bắt buộc Toán, Văn, Anh và 1 môn tự chọn trong 5 môn Lý, Hóa, Sinh, Sử và Địa

-  Hình thức thi: Toán, Văn, Sử, Địa thi theo hình thức tự luận 180 phút (Văn có 2 phần đọc hiểu và làm văn); Lý, Hóa, Sinh thi theo hình thức trắc nghiệm 90 phút; Anh văn thi viết và trắc nghiệm 90 phút.

-  Lịch thi

30/6/2015: Thí sinh làm thủ tục dự thi

01/7/2015: sáng thi Toán, chiều thi Ngoại ngữ

02/7/2015: sáng thi Văn, chiều thi Lý

03/7/2015: sáng thi Địa, chiều thi Hóa

04/7/2015: sáng thi Sử, chiều thi Sinh

+ Miễn thi

- Miễn thi môn Ngoại ngữ: học sinh có một trong các chứng chỉ có giá trị sử dụng tính đến ngày 09/6/2015

Tiếng Anh: TOEFL ITP 450 điểm, TOEFL iBT 45 điểm (Educational Testing Service); IELTS 4.0 điểm (British Council, International Development Program); các môn ngoại ngữ khác tham chiếu Công văn số 6031/BGD ĐT-KTKĐ CLGD ngày 23 tháng 10 năm 2014. Thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ được tính 10 điểm cho môn này để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Các học sinh sử dụng quyền miễn thi môn Ngoại ngữ nhưng cần xét tuyển vào Đại học cao đẳng cho các tổ hợp có môn Ngoại ngữ thì phải tham khảo thông tin của từng trường.

Học sinh có thể đăng ký môn Ngoại ngữ dự thi kỳ thi THPT Quốc gia không phải là môn Ngoại ngữ học ở trường.

-  Miễn thi cả các môn của kỳ thi THPT quốc gia

Người đã tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế hoặc Olympic khu vực các môn văn hóa nếu được triệu tập vào học kỳ 2 lớp 12, xếp loại cả năm lớp 12: HK tốt, HL khá trở lên, có tên trong danh sách miễn thi của Bộ GD ĐT. 

+ Điều kiện dự thi

Học sinh dự thi không trong thời gian bị kỷ luật cấm thi, đăng ký dự thi và nộp đầy đủ, đúng thủ tục, đúng thời hạn các giấy tờ và lệ phí đăng ký dự thi theo quy định, xếp loại lớp 12: HK từ trung bình trở lên, HL không bị xếp loại kém.

+ Thang điểm chấm: Các bài thi được chấm theo thang điểm 10, lấy đến 0,25, không quy tròn.

+ Đăng ký dự thi đợt 1: từ ngày 02/4/2015 đến 30/4/2015 tất cả học sinh (kể cả diện miễn thi tất cả các môn) phải đăng ký dự thi để cung cấp thông tin cá nhân, các môn xét tốt nghiệp, các môn xét tuyển sinh đại học. Sau ngày 30/4/2015 học sinh không có quyền thay đổi môn thi. Hồ sơ đang ký dự thi gồm có: Túi đựng hồ sơ (có dán ảnh 4x6 cm là ảnh màu kiểu giấy chứng minh thư nhân dân), Phiếu đăng ký dự thi số 1, Phiếu đăng ký dự thi số 2, bản photocopy 2 mặt giấy chứng minh thư nhân dân trên 1 mặt giấy A4, 02 ảnh 4x6 cm (mặt sau của ảnh ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, tỉnh, mã số của Nhà trường, tên lớp. Nhà trường sẽ tổ chức chụp ảnh đăng ký dự thi chung tại trường (sẽ thông báo kế hoạch cụ thể sau) vì thế học sinh không cần tự chụp, 02 phong bì đã dán tem và ghi rõ địa chỉ liên lạc. Trong tháng 4 sau khi Nhà trường nhập Phiếu đăng ký dự thi, Nhà trường sẽ cấp cho mỗi học sinh một tài khoản và mật khẩu để học sinh đăng nhập vào phần mềm quản lý thi qua internet để kiểm tra các thông tin của mình. Nếu thấy thông tin không chính xác thì cần phản hồi ngay về Văn phòng nhà trường. Để bảo mật thông tin, khi nhận được tài khoản và mật khẩu, tất cả các học sinh phải đổi ngay mật khẩu của mình.

+ Học sinh của toàn trường chỉ dự thi tại cụm thi do trường Đại học (ĐH Bách khoa HN, ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Thủy lợi, Học viện Kỹ thuật quân sự, ĐH Công nghiệp HN, ĐH Sư phạm HN, ĐH Lâm nghiệp, Học viện Nông nghiệp VN) chủ trì phối hợp với Sở GD ĐT HN. Bộ GD ĐT sẽ phân bổ học sinh trường ta thi tại cụm nào trong 8 cụm trên vào giữa tháng 4.

+ Phí dự thi kỳ thi THPT quốc gia: Chưa có thông tư liên tịch của Bộ Tài chính-Bộ GD ĐT quy định. Theo Dự thảo Thông tư liên tịch giữa Bộ Tài chính và Bộ GD&ĐT về quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí dự thi, dự tuyển (lệ phí tuyển sinh), công bố ngày 13/2, thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia với mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển vào các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học sẽ nộp phí dự thi 35.000 đồng/môn thi/thí sinh. Thí sinh nộp phí dự tuyển vào các trường 30.000 đồng/hồ sơ.

+ Đợt 2 đăng ký xét công nhận tốt nghiệp: từ ngày 02/5/2015 đến 30/5/2015 tất cả học sinh phải nộp Phiếu đăng ký xét công nhận tốt nghiệp. Trong hồ sơ kèm theo Phiếu đăng ký xét tốt nghiệp học sinh cần chuẩn bị Bằng tốt nghiệp THCS (bản sao công chứng), Chứng chỉ miễn thi ngoại ngữ (nếu có), Giấy chứng nhận đoạt giải trong các kỳ thi (nếu có) và các giấy tờ liên quan điểm ưu tiên (nếu có), các hồ sơ khác Nhà trường đã lưu giữ.

+ Sau khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia mỗi học sinh được cấp 4 Giấy chứng nhận kết quả thi, trong đó có 1 Giấy chứng nhận kết quả thi dung để xét tuyển sinh nguyện vọng I và 3 Giấy chứng nhận kết quả thi để xét nguyện vọng bổ sung. Ngày 29/7/2015 học sinh đến trường nhận Giấy chứng nhận kết quả thi.

2. Xét Tốt nghiệp THPT

+ Đặc cách tốt nghiệp THPT: học sinh đủ các điều kiện dự thi được xét đặc cách tốt nghiệp nếu

- Bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt không quá 10 ngày trước ngày thi hoặc ngay trong buổi đầu tiên không thể dự thi, xếp loại HL và HK lớp 12 đều từ Khá trở lên. Hồ sơ: hồ sơ nhập viện, ra viện từ cấp huyện trở lên, biên bản đề nghị xét đặc cách tốt nghiệp của nhà trường.

- Bị tai nạn, bị ốm hoặc có việc đột xuất đặc biệt sau khi đã thi ít nhất một môn và không thể tiếp tục dự thi hoặc sau khi bị tai nạn, bị ốm hay có việc đột xuất đặc biệt tự nguyện dự thi số môn thi còn lại. Điều kiện: điểm của những môn đã thi để xét công nhận tốt nghiệp đều đạt từ 5,0 trở lên, xếp loại lớp 12: HL từ trung bình trở lên, HK khá trở lên. Hồ sơ: Đơn đề nghị xét đặc cách của học sinh,  hồ sơ nhập viện, ra viện từ cấp huyện trở lên.

- Chậm nhất 07 ngày sau buổi thi cuối cùng của kỳ thi học sinh phải nộp hồ sơ đặc cách cho Nhà trường.

+ Điểm xét tốt nghiệp THPT

 Điểm xét tốt nghiệp được lấy đến 2 chữ số thập phân. Những học sinh dự thi không bị kỷ luật từ mức hủy bài thi trở lên, tất cả các bài thi xét tốt nghiệp đạt trên 1,0 điểm và có điểm xét tốt nghiệp từ 5 điểm trở lên.

Không xếp loại tốt nghiệp.

+ Phúc khảo bài thi: Mọi học sinh đều có quyền xin phúc khảo bài thi và nộp lệ phí phúc khảo theo quy định. Học sinh nộp đơn xin phúc khảo tại trường ngay khi có kết quả kỳ thi THPT quốc gia và trước 30/7/2015.

3. Tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2015

+ Nếu các trường ĐH thay đổi các khối thi truyền thống (đã sử dụng năm 2014 và các năm trước), các tổ hợp môn thi đã xét tuyển thì phải báo cáo Bộ GD ĐT và thông báo công khai ít nhất 3 năm trước khi áp dụng.

+ Các trường sử dụng tổ hợp môn thi mới ngoài các khối thi truyền thống để xét tuyển cho 1 ngành hoặc nhóm ngành phải dành ít nhất 75% chỉ tiêu cho khối thi truyền thống.

+ Nguyên tắc xét tuyển: Điểm xét tuyển đợt sau không thấp hơn điểm xét tuyển đợt trước.

+ Đăng ký xét tuyển nguyện vọng I: Học sinh dùng bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho xét tuyển nguyện vọng I. Mỗi học sinh được đăng ký tối đa 4 ngành (hoặc nhóm ngành) của một trường cho mỗi đợt xét tuyển. Các nguyện vọng này được xếp theo thứ tự ưu tiên từ 1 đến 4. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng ưu tiên không được xét các nguyện vọng tiếp theo. Các trường ĐH, CĐ cứ 3 ngày công bố trên trang thông tin điện tử của trường danh sách các thí sinh đăng ký xét tuyển xếp theo kết quả từ cao xuống thấp. Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển học sinh có quyền thay đổi ngành học đã đăng ký học rút hồ sơ để nộp vào trường khác. Học sinh trúng tuyển nguyện vọng I không được tham gia xét tuyển các đợt tiếp theo.

+ Đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung: Học sinh sử dụng 3 bản chính giấy chứng nhận kết quả thi dùng cho xét tuyển nguyện vọng bổ sung. Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung học sinh không trúng tuyển được rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo của ngành khác, trường khác.

+ Hồ sơ đăng ký xét tuyển: Phiếu đăng ký xét tuyển, bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi tương ứng đợt xét tuyển, 01 phong bì đã dán tem và ghi rõ địa chỉ lien lạc.

Hiện Bộ GD ĐT chưa có Hướng dẫn về công tác tuyển sinh Đại học, CĐ năm 2015, nhưng theo thông tin trên các phương tiện đại chúng thì thời gian xét tuyển cụ thể như sau

Xét tuyển nguyện vọng (NV) 1: từ ngày 1/8 đến 20/8 (công bố điểm trúng tuyển chậm nhất ngày 25/8)

Xét tuyển NV bổ sung đợt 1: từ ngày 25/8 đến hết ngày 15/9 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/9)

Xét tuyển NV bổ sung đợt 2: từ ngày 20/9 đến hết ngày 5/10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 10.10)

Xét tuyển NV bổ sung đợt 3: từ ngày 10 đến hết ngày 25/10 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 31/10)

Xét tuyển NV bổ sung đợt 4 (các trường CĐ): từ ngày 31/10 đến hết ngày 15/11 (công bố điểm trúng tuyển trước ngày 20/11).

4. Kỳ thi tuyển sinh vào Đại học Quốc gia Hà Nội

+ Bài thi đánh giá năng lực: thi trên máy tính với thời gian 195 phút.

+ Hồ sơ Đăng ký dự thi: Phiếu đăng ký dự thi (lấy mẫu trên web của ĐH QG HN)

+ Lệ phí dự thi: 100.000 đồng/1 thí sinh/1 lượt thi.

+ Lịch thi đợt 1: thi vào các ngày 30, 31/5/2015, thời gian đăng ký dự thi đợt 1 từ 25/3/2015 đến 15/4/2015.

+ Lịch thi đợt 2: thi vào các ngày 01, 02/8/2015, thời gian đăng ký dự thi đợt 2 từ 20/6/2015 đến 10/7/2015.

+ Nhận kết quả thi: trước ngày 06/6/2015 đối với đợt 1, trước ngày 08/8/2015 đối với đợt 2.

+ Thời gian nộp hồ sơ xét tuyển: đợt 1 từ 08/6/2015 đến 16h30 ngày 25/6/2015; đợt 2 từ 10/8/2015 đến 16h30 ngày 25/8/2015.

+ Công bố kết quả trúng tuyển có điều kiện: đợt 1 trước 30/6/2015, đợt 2 trước 30/8/2015. Các học sinh chính thức trúng tuyển sau khi đã tốt nghiệp THPT.

5. Một số thông tin sơ tuyển các trường ĐH

+ Điều kiện sơ loại Đại học Bách khoa Hà Nội: Học sinh đăng ký xét tuyển phải có tổng điểm trung bình của các môn học thuộc 03 môn xét tuyển, tính cho 06 học kỳ THPT từ 20,0 trở lên. Điều kiện sơ loại không áp dụng cho thí sinh thuộc diện tuyển thẳng. Ba môn xét tuyển được chọn trên cơ sở các khối thi truyền thống của Trường trước đây (A, A1, D1) và bổ sung thêm các tổ hợp ba môn khác (Toán-Hóa-Anh, Toán-Hóa-Sinh) nhằm tạo điều kiện cho thí sinh một sự lựa chọn rộng rãi hơn sau khi kết quả thi tốt nghiệp THPT 2015 được công bố. Môn Toán có mặt trong tất cả các tổ hợp môn xét tuyển và là môn thi tự luận. Kết quả thi môn Toán sẽ là thước đo tin cậy về năng lực tư duy logic của thí sinh, vốn rất cần thiết khi theo học các ngành kỹ thuật tại Trường. Do đó, Toán được chọn là môn thi chính (hệ số 2) khi xét tuyển vào một số ngành đào tạo.

+ Đại học Ngoại thương: Sơ tuyển các học sinh có Điểm TB chung học tập từng năm 10,11, 12 từ 6.5 trở lên, Hạnh kiểm từng năm học 10, 11, 12 đạt từ Khá trở lên. Không có tổ hợp xét tuyển mới.

+ Theo các phương tiện truyền thông: Học viên Ngân hàng sẽ sơ tuyển các học sinh có Điểm TB chung học tập từng năm 10,11, 12 từ 6.5 trở lên. Học viện dành 10% chỉ tiêu đối với thí sinh tuyển thẳng hàng năm. Với thí sinh là học sinh các trường phổ thông trung học chuyên quốc gia (một trong các môn toán, tin học, vật lý, hoá học, tiếng Anh) có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển (của Học viện Ngân hàng) trong 3 năm phổ thông trung học đạt từ 7,0 điểm trở lên được xét tuyển thẳng vào các ngành phù hợp của Học viện Ngân hàng. Đại học Y Hà Nội sẽ sơ tuyển các học sinh đạt yêu cầu điểm trung bình của mỗi môn Toán, Hóa học và Sinh học (5 học kỳ) trên 7 điểm đối với hệ bác sĩ, và trên 6 điểm đối với hệ cử nhân.

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 2015

TS. Lê Công Lợi



Cập nhật ngày Thứ năm, 09 Tháng 4 2015 15:40