Bộ GD-ĐT sắp “chuyển hướng” khỏi các cuộc thi Olympic? PDF. In Email
Thứ tư, 27 Tháng 7 2011 12:03
(Dân trí) - Thừa nhận những hạn chế của các cuộc thi Olympic quốc tế, lãnh đạo Bộ GD- ĐT cũng như các sở GD-ĐT địa phương đều thể hiện rõ quyết tâm đẩy mạnh việc tham gia vào một cuộc thi quốc tế giàu tính thực tiễn hơn.
Ý tưởng và sáng tạo mới quan trọng
 

Không thể phủ nhận vai trò của các cuộc thi Olympic quốc tế từ nhiều năm qua đối với việc phát triển nền khoa học Việt Nam, cũng như những vinh quang mà chúng ta gặt hái được khi cử học sinh (HS) tham dự các kỳ thi này. Tuy nhiên, song song với đó, một cuộc thi quốc tế khác dành cho lứa tuổi HS cũng có tầm cỡ và bề dày không kém, thì dường như lại bị chúng ta "bỏ quên" suốt mấy chục năm qua. Đó là Hội thi Khoa học và Kỹ thuật Quốc tế (ISEF), do Hội Khoa học và Công chúng Mỹ tổ chức thường niên từ năm 1950 tới nay, mỗi năm thu hút hàng triệu HS trên toàn cầu tham dự, trong đó hàng ngàn HS được chọn để tham gia vòng chung kết diễn ra hàng năm ở Hoa Kỳ.

 
Những ngày cuối tháng 7 này, trong khi vẫn liên tiếp đón nhận tin vui từ những huy chương Olympic mà Việt Nam gặt hái được ở mọi môn thi, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cùng lãnh đạo nhiều sở GD-ĐT họp nhau tại Huế để bàn hướng đẩy mạnh sự hiện diện cũng như thành tích của Việt Nam tại ISEF, sau khi mới tham gia được 3 kỳ gần đây nhất với mức độ khiêm tốn và chưa đạt được thành tích nào.
 
Lễ đón hai em Nguyễn Huy Hoàng và Nguyễn Đình Hội đạt huy chương trở về từ Thái Lan sau khi kết thúc kỳ thi Olympic Quốc tế 2011. (Ảnh: Nguyễn Duy)
 

Chia sẻ riêng với Dân trí tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nói: "HS dự thi Olympic phải giải các bài toán cho sẵn, còn ISEF có nhiều ưu điểm vượt trội hơn, khi HS tự mình phát hiện vấn đề trong thực tế cuộc sống, tự mình đặt ra bài toán và tìm cách giải, với sự hỗ trợ của các thầy cô giáo, nhà trường, các nhà khoa học, gia đình. Nếu như đi thi Olympic chỉ dựa trên kiến thức khoa học để vận dụng giải bài tập, thì ở ISEF, HS sử dụng kiến thức kết hợp với kinh nghiệm thực tế để giải các vấn đề thực tiễn, nên tính thiết thực cao hơn hẳn". 

 
Ông Hiển đánh giá: "ISEF rèn luyện tác phong khoa học, làm việc khoa học cho HS, từ đặt giả thuyết, phát hiện vấn đề, cho tới giải quyết vấn đề, kết luận, trình bày nghiên cứu, thuyết trình công trình... Điểm đặc biệt của cuộc thi là coi trọng tính sáng tạo và ý tưởng khoa học của các em HS, điều rất cần thiết cho sự nghiệp nghiên cứu của các em sau này, cũng như cho sự phát triển chung của nền khoa học đất nước".
 
Làm thế nào gây được tiếng vang tại ISEF?
 
Những sự vượt trội của ISEF, đặc biệt trong thời đại khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão và đóng vai trò quyết định hiện nay, được mọi đại biểu trong ngành GD-ĐT chia sẻ. Có thể thấy không ai muốn đất nước mình tiếp tục "đứng ngoài cuộc" một sự kiện khoa học sôi động và tầm cỡ như vậy; ai cũng muốn HS của mình có những công trình gây được tiếng vang tại ISEF, nhưng vấn đề là làm thế nào, và có những chính sách hỗ trợ nào.
 
Bà Nguyễn Thị Anh Phương, Giám đốc Sở GD-ĐT Lâm Đồng, đơn vị đi đầu trong dự thi ISEF khi có HS tham dự 2 kỳ thi 2009 và 2010, trăn trở: "Các HS còn tỏ ra lúng túng trong phương pháp nghiên cứu đề tài khoa học, trong khảo sát, nhất là với các đề tài xã hội hành vi... Việc quan hệ giữa các trường THPT và các cơ quan nghiên cứu khoa học chưa thật đậm nét, nên chưa huy động tốt nhất các nguồn lực xã hội...".
 
Bên cạnh đó, nhiều đại diện các địa phương khác còn băn khoăn rằng, HS trung học còn phải lo vấn đề điểm số các môn học, thi học kỳ, thi tốt nghiệp, thi đại học..., nếu chưa có cơ chế khuyến khích thỏa đáng, thì làm sao các em chuyên tâm nghiên cứu khoa học theo sự say mê, và từ đó là để dự thi ISEF? 
 
Bà Karen Merrill, giám đốc Phụ trách Hội thi Intel ISEF của Intel, cho biết: "Hàng năm có trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự ISEF, rất nhiều trong số đó có những chính sách hỗ trợ rất mạnh cho HS. Đơn cử một ví dụ là ở Đài Loan, HS chỉ cần được chọn vào vòng chung kết là đương nhiên vào thẳng bất kỳ trường Đại học nào trong lãnh thổ; nếu đoạt giải thì sẽ được học bổng toàn phần; còn nếu đoạt giải nhất thì chính phủ sẽ tài trợ học bổng toàn phần để theo học tại bất kỳ đại học nào trên thế giới do em đó tự chọn".
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển chia sẻ thông tin trên và bày tỏ, Bộ GD-ĐT đang nghiên cứu và chắc chắn trong thời gian tới sẽ ban hành những quy chế ưu tiên, khuyến khích cho các em tham gia ISEF, ở mức độ ít nhất là tương đương các em tham gia các cuộc thi Olympic, và tiến tới là ưu tiên hơn nữa.
 
Theo ông Hiển, ISEF có ý nghĩa quan trọng đối với Việt Nam vì hiện nay nước ta đang hướng tới đổi mới GD, từ tư duy trước đến nay quan tâm chuyện HS học được gì, hiểu được gì, chuyển sang hướng tiếp cận là từ những cái học được thì quan trọng hơn là làm được cái gì, phát triển năng lực gì. "Tham gia vào ISEF, mục tiêu lớn nhất không phải là đoạt giải mà là giúp toàn ngành thay đổi phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học, thay đổi quan niệm như thế nào là chất lượng giáo dục", ông nói.
 
Để đạt được cả hai mục tiêu đó, kinh nghiệm các nước cho thấy cần đầu tư không chỉ vào các em ở lứa tuổi trực tiếp đi thi, mà đầu tư toàn diện vào các cấp học, ngay từ mầm non trở đi. Bà Karen cho biết, nhiều nước đoạt giải cao ở ISEF đã đưa phương pháp dạy các môn khoa học theo hướng thực nghiệm và thực tiễn vào các trường mầm non. Sau đó, ở tiểu học họ đã tổ chức các cuộc thi liên trường, từ lớp 5 trở đi đã có các cuộc thi cấp quốc gia, nhờ vậy mà họ chọn ra được những HS xuất sắc, được cọ xát qua nhiều kỳ thi, để dự thi ISEF ở lứa tuổi trung học. 
 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đồng tình với thông tin trên và khẳng định, hiện nay ngành GD-ĐT Việt Nam đang chú trọng việc đưa những phương pháp dạy học mang tính thực tiễn, chú trọng tới đào tạo kỹ năng phát hiện và giải quyết vấn đề, vào từng cấp học từ mầm non và tiểu học trở đi.

 

Khả năng tiếng Anh và kỹ năng trình bày nghiên cứu bằng tiếng Anh của các học sinh tham gia ISEF được nhiều đại biểu trong ngành GD-ĐT nhấn mạnh, thậm chí đại diện Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế còn chia sẻ rằng đã từng phải loại một thí sinh có công trình tốt nhưng tiếng Anh không đủ đáp ứng, mặc dù rất tiếc.

Tuy nhiên, bà Karen Merrill lại bày tỏ một ý kiến trái ngược khá thú vị khi khẳng định rằng điều quan trọng nhất là ý tưởng và chất lượng khoa học của công trình, còn vấn đề ngôn ngữ nếu thiếu, hoàn toàn có thể được hỗ trợ bằng người phiên dịch do ban tổ chức ISEF bố trí. Bà nêu dẫn chứng nhóm thí sinh Thái Lan đoạt giải đặc biệt cao thứ nhì tại ISEF 2011 nói tiếng Anh rất kém, nhưng công trình của họ có giá trị khoa học xuất sắc.

 
Tuấn Anh