Vì sao trường chuyên hấp dẫn học sinh và phụ huynh? PDF. In Email
Thứ năm, 09 Tháng 7 2020 21:27

Hôm đó, cháu nhà tôi với thành tích khiêm tốn cũng mang về giải thưởng là chiếc áo phông với dòng chữ: "Gõ phím bình thiên hạ, kích chuột định giang sơn". Tôi vô cùng thích thú và ấn tượng với khẩu hiệu này vì ngoài sự vui nhộn, nó nói lên điều "cốt lõi" của thầy và trò chuyên Khoa học tự nhiên: tầm nhìn rõ ràng về những mục tiêu hoàn toàn không tầm thường. Tôi tin rằng tại ngôi trường với những tài năng tầm quốc tế, nơi đã đào tạo nên những nhân tài như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, đây không phải là một khẩu hiệu suông.

540 chỉ tiêu vào lớp 10 Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên - Báo ...



Phụ huynh Vũ Ngọc Hân, người có ba con học ba trường chuyên tại Hà Nội, chia sẻ quan điểm về trường chuyên, lớp chọn.

Vì có ba con học ở các trường chuyên khác nhau của Hà Nội nên tôi có hiểu biết nhất định. Chính sách của nhà nước, mong muốn của các nhà quản lý chỉ là một bàn tay. Để tạo nên tiếng vỗ cần có bàn tay thứ hai, đó là mong muốn của học sinh và phụ huynh. Trong khi chính sách ít biến đổi thì mục tiêu, cách thức hành động của học sinh và phụ huynh biến đổi khá nhanh theo thời cuộc. Nhà trường chịu áp lực từ hai phía, cố gắng hài hòa các mục tiêu. Cách nhà trường ứng xử với các bên tạo nên đặc thù của mỗi trường.

Năm 2003, khi con của anh tôi đỗ trường chuyên, tôi đã tự đặt cho mình câu hỏi: "Vào trường chuyên để làm gì nhỉ? Thi quốc tế thì không đủ tầm, đi tây thì đã hết thời". Thi quốc tế và "đi tây" là hai trong ba mục tiêu học sinh hướng tới khi thi vào trường chuyên thời bao cấp. Mục tiêu thứ ba là vào đại học ngành "hot".

Mục tiêu đầu tiên của các nhà giáo dục khi thành lập trường chuyên, ban đầu chỉ có chuyên Toán, là định hướng nghề nghiệp sớm, tạo nguồn cho các trường đại học, tạo đội ngũ kế cận cho ngành Toán. Tuy nhiên, mục tiêu này ít khi nằm trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ khi đó, học sinh chuyên ít khi theo đuổi nghề của môn chuyên.

Như vậy, ngay từ đầu đã có sự vênh nhau giữa hoạch định chính sách và mong muốn của phụ huynh, học sinh. Nhưng không vì vậy mà trường chuyên tàn lụi. Ngược lại, nhu cầu vào trường chuyên cao đã dẫn đến nhiều môn chuyên khác ra đời. Sau đó các tỉnh thành cũng thành lập trường chuyên.

Tính thực dụng (những mục tiêu cụ thể, hữu ích, khả thi nhưng không nhất thiết phải tầm thường) của cha mẹ đã tạo nên sức sống cho các trường chuyên. Họ đã mang sự linh hoạt, uyển chuyển của cuộc sống vào trường, bổ trợ hoàn hảo cho sự khô cứng, ít biến động của chính sách.

Sự chi phối ở mức độ nhất định của cha mẹ lên cách thức hoạt động của trường cũng làm nên sự khác biệt của trường chuyên Việt Nam với trường chuyên trên thế giới. Tôi nêu vấn đề này vì nhiều ý kiến về trường chuyên của các chuyên gia mang nặng tính hàn lâm hoặc chỉ nhìn từ góc độ nhà quản lý.

Khi con tôi chuẩn bị vào THPT, tôi đã thay đổi quan điểm. Cứ cho là không đi thi quốc tế, không "đi tây", nhưng trường chuyên là nơi có môi trường giáo dục tốt nhất của thành phố, của cả nước, sao lại không vào?

Sau khi cháu vào học trường chuyên, tôi còn vỡ ra nhiều điều - trường chuyên không chỉ có thầy tốt, trò giỏi! Khi đó cháu đỗ chuyên Anh của cả ba trường đầu bảng của Hà Nội. Tôi khuyên cháu vào THPT chuyên Ngoại ngữ cho gần nhà. Thực ra trong thâm tâm tôi biết trường Hà Nội - Amsterdam có trào lưu du học và sợ rằng vào đó cháu có thể "đòi" cha mẹ cho du học. Khi đó, tôi sẽ rất khó nghĩ vì gia đình không có nhiều tiền.

Nhưng chỉ sau một tháng đi học ở Chuyên Ngữ, cháu nói với bố mẹ có nguyện vọng du học. "Con sẽ xin học bổng", cháu nói. Nếu chỉ nói du học thì có thể cho rằng cháu đua đòi các bạn. Nhưng du học bằng học bổng là câu chuyện hoàn toàn khác, một ước mơ cần được ủng hộ.

Tôi cho cháu biết số tiền gia đình có thể hỗ trợ (khá thấp), phần còn lại cháu phải phấn đấu để được nhà trường hỗ trợ. Cháu vui vẻ đồng ý. Sau hơn hai năm phấn đấu, cháu và gia đình đã đạt được ước mơ. Ngay vòng xét tuyển sớm, cháu được nhận vào trường hàng đầu của Mỹ với mức chi phí gia đình chấp nhận được.

Quyết tâm của con đã tạo động lực cho cả nhà. Tôi đã cân nhắc các phương án và nhận thấy nếu cuộc sống không có biến động lớn, gia đình tôi có thể cho cả ba con du học. Vì vậy, không chỉ vui vì xin được học bổng, chúng tôi vui vì nhìn thấy một hướng đi mà trước đó hoàn toàn không dám mơ đến.

Môi trường gồm các học sinh có năng lực sẽ là nơi sản sinh và nuôi dưỡng những ước mơ cao xa nhưng không hề viển vông. Ước mơ sẽ tạo động lực để phấn đấu, để thành công. Đây là sự khác biệt lớn của trường chuyên với trường thường. Những tưởng mục tiêu "đi tây" của học sinh chuyên đã tàn lụi nhưng không hề. Nó chuyển hướng từ nước này sang nước khác, từ bao cấp của nhà nước sang hỗ trợ trực tiếp từ nhà trường.

Sự chuyển hướng này dường như được khởi nguồn từ trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam không lâu sau khi con đường "đi tây" hướng đến các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị chặn. Những cựu học sinh trường Ams đi tiên phong chắc hẳn đã gặp vô vàn gian nan. Không chỉ đối mặt với lượng công việc vô cùng đồ sộ, họ phải dò dẫm tìm đường theo đúng nghĩa "dò đá qua sông". Thành công của họ không chỉ mang lợi ích cho bản thân mà còn mở đường cho nhiều thế hệ sau bước ra biển lớn.

Nếu những học sinh xuất sắc này học ở trường thường thì sao? Họ giành được học bổng, tạo tiếng vang lớn rồi câu chuyện kết thúc ở đó, sẽ không có người tiếp bước, sẽ không thành phong trào lớn. Một cánh én không làm nên mùa xuân. Một cộng đồng những người giỏi cùng nhau sẽ làm được những điều kỳ diệu.

Điều này cũng đúng đối với hệ thống trường chuyên trên toàn quốc. Nếu chỉ một vài trường sẽ khó làm nên chuyện nhưng một hệ thống trường sẽ tạo ra sức sống mãnh liệt hơn rất nhiều. Các trường thi đua, học hỏi lẫn nhau, điểm tốt của một trường có thể được nhân rộng ra toàn hệ thống. Cứ như vậy trường chuyên sẽ tồn tại và phát triển lâu bền. Phải có nhiều người ngang tầm và cùng chí hướng mới tạo nên và dẫn dắt phong trào, phải có nhiều trường ngang tầm mới thi đua được với nhau.

Cho đến nay trường Ams vẫn dẫn đầu cả nước về lượng học bổng du học. Năng động là một đặc tính vượt trội của học sinh trường Ams, là một trong những lý do khiến trường luôn là lựa chọn số một của những học sinh đầu bảng ở Hà Nội. Ngoài học giỏi, năng động, các Amser còn làm được điều không trường nào làm được, tính đến trước thời điểm các trung tâm tư vấn ra đời. Đó là người đi trước giúp người đi sau để nhân rộng phong trào săn học bổng. Trường chuyên đã tạo ra một môi trường của đam mê, ý chí, quyết tâm, tầm nhìn và trí tuệ.

Khi cháu đầu nhà tôi chuẩn bị du học, cháu thứ hai nhà tôi thi vào trường chuyên và đỗ vào chuyên Anh của trường THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Tại đây, cháu tham gia các câu lạc bộ của trường và hai năm sau tiếp bước chị xin được học bổng cao tại một trường khác của Mỹ. Một lần nữa gia đình tôi cảm ơn trường chuyên đã mang lại cho con cơ hội vươn cao.

Cách đây ít lâu cháu thứ ba nhà tôi thi vào chuyên Tin. Cháu đạt kết quả cao tại tất cả trường cháu thi và chọn trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) để học. Vốn ngưỡng mộ chuyên Khoa học tự nhiên từ lâu nhưng khi có con học ở trường tôi mới thực sự hiểu cái "chất" đã làm nên danh tiếng của trường.

Họp phụ huynh đầu năm, thầy hiệu trưởng nói đây là ngôi trường mà "trò phục thầy, thầy phục trò". Một bạn của con tôi bình luận về trường "Đây là nơi quái vật bốn phương tám hướng tụ về". Lời bình này ngay sau đó đã được chứng minh.

Đầu năm trường tổ chức cuộc thi "cúp huynh đệ" trong nội bộ khối chuyên Tin. Giám khảo là các anh đội tuyển và một học sinh lớp... chín! Em này chưa phải là học sinh của trường nhưng sẽ là. Em cũng không phải là "quái vật" duy nhất. Một số em đã tự trang bị cho mình những kỹ năng lập trình vượt trội từ trước khi vào trường cùng với năng lực giải toán xuất sắc nên đã vượt qua đợt thi một cách dễ dàng. Năm 2020, một học sinh lớp 10 chuyên Toán đã qua mặt các bậc đàn anh để giành một suất trong đội tuyển thi Toán quốc tế. Trường là nơi hội tụ những tài năng ở tầm quốc tế đúng như danh tiếng vốn có.

Hôm đó, cháu nhà tôi với thành tích khiêm tốn cũng mang về giải thưởng là chiếc áo phông với dòng chữ: "Gõ phím bình thiên hạ, kích chuột định giang sơn". Tôi vô cùng thích thú và ấn tượng với khẩu hiệu này vì ngoài sự vui nhộn, nó nói lên điều "cốt lõi" của thầy và trò chuyên Khoa học tự nhiên: tầm nhìn rõ ràng về những mục tiêu hoàn toàn không tầm thường. Tôi tin rằng tại ngôi trường với những tài năng tầm quốc tế, nơi đã đào tạo nên những nhân tài như Ngô Bảo Châu, Đàm Thanh Sơn, đây không phải là một khẩu hiệu suông.

Không phải ai cũng ở tầm "quái vật" nên trường đã lập ra ba lộ trình rõ ràng cho học sinh có năng lực và nguyện vọng khác nhau từ năm lớp 11 trở đi: luyện thi quốc gia cho những học sinh đội tuyển (chỉ 10 học sinh), trợ giúp cho những em có nguyện vọng du học và luyện thi cho những em thi đại học trong nước.

Trường cho biết những em học đại học trong nước có thể dễ dàng tìm được việc làm nhờ năng lực vượt trội. Nhiều em đã làm nghiên cứu trong quá trình học đại học để sau đó kiếm một suất làm tiến sĩ ở trong nước hoặc nước ngoài. Nhiều học sinh của trường sau khi giành giải ở các kỳ thi quốc tế đã giành được những học bổng rất cao tại các trường hàng đầu thế giới.

Lo ngại trường chuyên luyện gà nòi là không có cơ sở. Trường chuẩn bị cho học sinh của mình tham gia không chỉ giải chạy tốc độ 100 m mà cả các cự ly trung bình và marathon.

Sau hàng chục năm "vênh" giữa nhu cầu của nhà hoạch định chính sách với nhu cầu của học sinh, giờ đây xu thế học sinh chuyên tiếp tục theo nghề môn chuyên đang tăng dần. Ngày càng nhiều em vào chuyên với định hướng nghề nghiệp rõ ràng chứ không chỉ tìm một môi trường học tập tốt. Nếu có rẽ hướng, thường các em chỉ chuyển sang lĩnh vực kinh tế và kinh doanh vì các lĩnh vực này không có hệ chuyên bậc phổ thông.

Đa số học sinh trường chuyên đều trở thành chuyên gia giỏi trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống dù các em không theo tiếp môn chuyên của mình. Như vậy, thành lập hệ thống trường chuyên là quyết định khôn ngoan của các nhà hoạch định chính sách. Nếu trường chuyên đào tạo được nhiều chuyên gia giỏi cho đất nước, nó xứng đáng được đầu tư.

Nhiều người đặt vấn đề các tỷ phú Việt Nam không xuất phát từ trường chuyên. Điều này vừa đúng vừa sai. Thực tế nhiều tỷ phú học ở trường chuyên, hoặc các trường danh giá của tỉnh thành, đầu vào cũng khó ngang ngửa trường chuyên. Hơn nữa, đa số học sinh chuyên thời kỳ đầu định hướng vào học thuật nên lượng tỷ phú có thể chưa nhiều. Nhưng điều này đang thay đổi nên trong tương lai, lượng tỷ phú xuất thân từ trường chuyên chắc chắn sẽ tăng.

Nhiều người lo ngại học sinh trường chuyên nhận được nhiều đầu tư hơn các bạn để rồi "thẳng cánh cò bay" ra nước ngoài và không quay trở lại? Xin thưa rằng định cư ở nước ngoài không dễ, đặc biệt là định cư ở Mỹ. Hãy hình dung mỗi năm nước Mỹ cấp 85.000 visa làm việc dạng H1B, người Ấn Độ chiếm 70%, người Trung Quốc chiếm 20%, chỉ còn 10% chia cho các nước khác. Như vậy đa số sẽ quay về phục vụ đất nước.

Với những người ở lại cũng cần nhìn xa hơn, rộng hơn để đánh giá. Để thành tài trong khoa học, kỹ thuật cần học đến tầm 30-40 tuổi (làm tiến sĩ, sau tiến sĩ). Người trong lĩnh vực kinh doanh cần vừa làm vừa tích lũy kiến thức và kinh nghiệm đến 40-45 tuổi mới đạt tới trình độ quản lý cấp quốc tế. Yêu cầu những người xuất sắc quay trở lại sau khi tốt nghiệp đại học có khác gì bẻ cây măng mới nhú để phục vụ cho bữa ăn trước mắt.

Mà ở lại hẳn thì có sao đâu? Cứ nhìn vào người Ấn độ tại Mỹ sẽ thấy. Nhiều quản lý cấp cao tại các công ty Mỹ là người gốc Ấn, nhiều công ty Ấn Độ đã "định cư" tại Mỹ để khai thác thị trường tốt hơn. Người gốc Ấn cũng chiếm giữ ngày càng nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị của nước Mỹ. Thế hệ trước kéo thế hệ sau chính là lý do giúp người Ấn giành được 70% lượng visa H1B.

Hãy hình dung một cộng đồng Việt tại các nước mạnh như cộng đồng người Do thái, Ấn Độ hay Trung Quốc sẽ thấy giá trị của việc ở lại.

Vũ Ngọc Hân

Link nguồn: https://vnexpress.net/vi-sao-truong-chuyen-hap-dan-hoc-sinh-va-phu-huynh-4126389.html

Cập nhật ngày Chủ nhật, 19 Tháng 7 2020 10:29