Cha mẹ nên can thiệp đến đâu trong sự phát triển của con? In
Thứ hai, 29 Tháng 5 2017 17:43

Trong những năm trở lại đây, ngày hè là cơ hội để các bậc cha mẹ “đầu tư” cho con đi học thêm kiến thức lẫn kỹ năng sống. Liệu rằng những khóa học cấp tốc này có thể giúp trẻ tự tin, trưởng thành hơn như kỳ vọng của phụ huynh?

Để giải đáp vấn đề này, phóng viên Báo Thế giới & Việt Nam đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh, Giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ nhiệm CLB “Sách ơi mở ra”...

cha me nen can thiep den dau trong su phat trien cua con
Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Minh. (Ảnh: NVCC)

Không ít ý kiến cho rằng trải nghiệm sáng tạo tức là đưa học sinh ra ngoài phạm vi trường học như du lịch, tham quan và có nhiều khóa học kỹ năng hơn. Quan điểm cá nhân của Tiến sĩ về vấn đề này?

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là hoạt động giáo dục được tổ chức theo cách tạo điều kiện cho người học tham gia trực tiếp vào các hoạt động xã hội. Từ đó, giúp người học trở thành chủ thể tích cực, sáng tạo của hoạt động học tập đó.

Như vậy, trải nghiệm sáng tạo không có nghĩa là phải đi ra ngoài mà gia đình, nhà trường là một môi trường lý tưởng cho hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bởi gia đình hay nhà trường cũng là một cộng đồng xã hội thu nhỏ. Đó là nơi có thể nảy sinh vô vàn các mối quan hệ, các tình huống giao tiếp, các vấn đề phát sinh để các em có cơ hội được trải nghiệm và rèn luyện kỹ năng giải quyết vấn đề. Ngược lại, có những hoạt động dã ngoại không hề đánh thức được năng lực sáng tạo của người học vì được tổ chức một cách đơn điệu, cứng nhắc, áp đặt, khuôn mẫu.

Ở nước ngoài, thường các lớp học ngày hè được mở ra chủ yếu để hỗ trợ những em đặc biệt khó khăn về trí tuệ hay những em bị bệnh mà không theo học đầy đủ trong năm. Vì vậy, các lớp học thường thành các nhóm, các lớp nhỏ, phù hợp với nhu cầu chuyên biệt của từng em, từng nhóm. Cũng có những trại hè cho trẻ chậm phát triển được tổ chức để giúp các em có thêm hiểu biết, tăng khả năng hội nhập.

Vậy cha mẹ nên can thiệp đến đâu, khoảng vừa đủ trong sự phát triển tự nhiên của con?

Thực ra, những năm gần đây nhiều người cực đoan hóa vai trò của kỹ năng sống, thành ra nhiều khi nó trở thành một cái mốt. Đành rằng kỹ năng sống là rất quan trọng, song không nhất thiết phải tham gia vào các khóa học kỹ năng sống mới có kỹ năng sống.

Kỹ năng sống được hình thành chủ yếu thông qua hoạt động sống hàng ngày. Nếu hiểu biết một cách sâu sắc về nó, kỹ năng sống hoàn toàn có thể có được thông qua rèn luyện bằng các môn học trong nhà trường. Ví dụ, từ môn khoa học, trên cơ sở sự hiểu biết về cơ thể, giáo viên có thể dạy các con cách giữ gìn vệ sinh, chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa bệnh tật. Trên cơ sở hiểu biết về thế giới động thực vật, có thể dạy các con các kỹ năng an toàn khi đi trong rừng, xuống biển, lên núi, nhận biết phương hướng khi đi lạc…

Bằng môn Ngữ văn, chúng ta có thể dạy các con kỹ năng giao tiếp, khả năng nhận biết cảm xúc của bản thân và người khác để có ứng xử hài hòa… Kỹ năng sống cũng có thể được hình thành trong nhà, bằng cách con làm việc nhà, con biết chào hỏi lễ phép khi có khách đến chơi, biết xin phép mẹ khi ra khỏi nhà, biết chăm sóc và quan tâm đến những người trong gia đình.

Không nên tách rời kỹ năng và kiến thức. Nếu không có kiến thức, không đủ hiểu biết về thế giới xung quanh, con sẽ không có kỹ năng sống. Nếu không có kiến thức về phong tục tập quán của dân tộc mình và dân tộc khác, con sẽ không có kỹ năng giao tiếp phù hợp. Nếu không hiểu về cơ chế vận hành của điện, con không có kỹ năng an toàn khi tiếp xúc với điện. Nếu không hiểu cách hoạt động của dòng nước ngược ở biển, con sẽ không biết cách vượt qua nguy hiểm nếu chẳng may gặp phải dòng nước ngược...

Vì thế, theo tôi, đừng cực đoan hóa kỹ năng sống đến mức phủ nhận tầm quan trọng của kiến thức. Sự hiểu biết, dù thế nào cũng thực sự rất quan trọng. Trong quá trình sống của con người, kiến thức và kỹ năng luôn phát triển song song, bổ trợ lẫn nhau.

Dù con chưa nghỉ hè nhưng không ít bậc phụ huynh đã “nhắm” các khóa học kỹ năng sống cho con với hy vọng sẽ giúp con tự tin hơn, trưởng thành hơn. Tiến sĩ nghĩ sao về thực trạng này?

Đương nhiên là các khóa học kỹ năng sống sẽ đem lại cho con những trải nghiệm phong phú, thú vị ngoài gia đình, trường học. Nhưng tôi cho rằng, để tự tin và trưởng thành, không phải chỉ tham gia vài khóa học kỹ năng sống là đủ. Thời gian một, hai tháng hè cũng không thể làm thay đổi hoàn toàn một con người. Trưởng thành là một quá trình tích lũy âm thầm, từng ngày một, thậm chí diễn ra rất lâu dài, cả chục năm.

cha me nen can thiep den dau trong su phat trien cua con
Mùa hè là cơ hội để trẻ được vui chơi, chan hòa với thiên nhiên. (Ảnh: Ngọc Minh)

Tự tin cũng bắt nguồn từ những cảm giác bên trong: năng lực để có thể hoàn thành một công việc nào đó, cảm giác hài lòng về bản thân, cảm giác cởi mở với người khác. Nếu một đứa trẻ luôn cảm thấy mình không đủ năng lực để thực hiện một việc gì đó, rất khó có được sự tự tin từ bên trong. Vì thế, đứa trẻ ấy rất dễ quay trở lại với cảm giác thiếu tự tin nếu không có một sự thúc đẩy, động viên liên tục từ môi trường bên ngoài.

Việc học bất cứ cái gì, cũng như việc hình thành nên bất cứ thói quen, kỹ năng gì đều là một quá trình rất lâu dài, chịu sự tác động của rất nhiều các yếu tố trong môi trường xung quanh.

Những phụ huynh không có đủ điều kiện để cho con học các khóa học kỹ năng sống, vì thế cũng không có gì phải áy náy hay quá lo lắng. Sự tự tin và kỹ năng sống có thể đạt được qua chính những hoạt động hàng ngày, trong gia đình. Trẻ có thể làm việc nhà, cách lập kế hoạch học tập, cách ứng xử với bố mẹ, bạn bè, hàng xóm, họ hàng, đặc biệt là qua hoạt động vui chơi lành mạnh.

Tiến sĩ có lời khuyên gì dành cho các bậc phụ huynh?

Để giúp con có niềm tin vào bản thân mình, cha mẹ có thể dành thời gian cho con, hướng dẫn con thông qua các hoạt động hàng ngày đó. Cha mẹ có thể làm mẫu cho con qua cách ứng xử của chính mình. Thực tế, phụ huynh hoàn toàn có thể giúp con trở thành những đứa trẻ tự tin, biết giao tiếp và ứng xử, biết làm chủ cuộc sống của mình. Trẻ con học chủ yếu qua vô thức, qua bắt chước. Vì thế, chính gia đình là trường học kỹ năng sống tốt nhất và chính bố mẹ mới là những hướng dẫn viên tốt nhất cho con mình.

Tuy nhiên, trước khi đăng kí cho con em theo học khóa học nào, các bậc phụ huynh cũng nên cân nhắc kỹ những ưu điểm, nhược điểm của việc học hè. Bên cạnh đó, thay vì "đua con", chúng ta nên cân nhắc nhu cầu của mình, nhu cầu của con, ai là người dạy khóa học ấy trước khi đăng kí.

Cảm ơn Tiến sĩ!

Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh (Viện trưởng Viện Phát triển Giáo dục và Trí tuệ Việt - IEDV):

“Áp lực điểm số đang đánh cắp tuổi thơ của con trẻ”

cha me nen can thiep den dau trong su phat trien cua con
Thạc sĩ Lê Thị Lan Anh. (Ảnh: NVCC)

Có một sự thật phũ phàng là đa số trẻ con không quan tâm, thậm chí ngộp thở vì áp lực điểm số. Điểm số chẳng qua là cuộc chạy đua để thỏa mãn nhu cầu thành tích của một số trường, “làm đẹp mặt" những bố mẹ ham muốn con giỏi ảo, khoe thành tích trên mạng xã hội ảo.

Học giỏi mà không hoạt bát, nhanh nhẹn, không tương tác xã hội tốt, thiếu chỉ số cảm xúc tích cực, tinh thần vượt khó thì chỉ giỏi trên giấy.

Thật khổ cho những đứa trẻ sống trong các gia đình mà suốt 9 tháng úp mặt quanh bốn bức tường chỉ để cày đến còi cọc vì điểm số. Thật đáng thương cho những ông bố, bà mẹ nhìn nhận, đánh giá con chỉ qua bảng điểm. Bởi thực tế, ngoài mấy điểm vô hồn kia, chúng giỏi hơn rất nhiều.

Trẻ có thể dành hàng giờ để vẽ một bức tranh, đọc sách khoa học, táy máy vài món đồ của bố. Chúng thích đặt các câu hỏi về mặt trăng, hệ mặt trời, vũ trụ. Chúng thích thực hành về giá trị của đồng tiền và thường hỏi các câu kiểu như: "Cơm được làm từ đâu? Vì sao gọi là ngũ cốc? Con được sinh ra như thế nào? Tại sao trẻ con hay bị xâm hại tình dục? Lớn lên con sẽ làm gì?".

Trong khi một đứa trẻ càng tò mò về thế giới xung quanh càng dễ thành công hơn nếu được bồi dưỡng và vun đắp.Tuy nhiên, thực tế nhiều bậc cha mẹ chưa quan tâm đến những câu hỏi đó.

Ngày nay, con trẻ - nhất là trẻ em thành phố có “tuổi thơ một màu”. Không gian vui chơi ít, sân chơi nghèo nàn, trò chơi dân gian gần như tuyệt chủng, quan hệ làng xóm đóng kín. Tất cả đẩy trẻ vào ipad, iphone, ti vi, máy tính... Thả nổi con vào đống thiết bị hiện đại đó, ai biết con đang xem gì, chơi gì, nghe gì?

Sống thụ động, chơi thụ động, hưởng thụ thụ động, cơ thể thụ động, cuộc đời con có chủ động được không? Nhiều đứa trẻ đang mụ mị với chuyện học tập, chán nản khi nghỉ hè chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường. Đừng vì áp lực điểm số mà “đánh cắp” đi tuổi thơ của con, hỡi các bậc phụ huynh.